"KHĂN CHẦU AÓ NGỰ" - NÉT ĐẸP TRUYỀN THỐNG VÀ SỰ BIẾN ĐỔI CỦA THỜI ĐẠI
Không phải ngẫu nhiên mà trang phục hầu đồng lại được nhân dân ta tôn kính, gọi với một cái tên thật mĩ miều là “khăn chầu áo ngự”. Với tâm niệm các Ngài là bậc bề trên, tôn quý, trang phục được dùng để hầu Thánh thường là những bộ khăn áo mang đậm tính cung đình, thể hiện được phong thái tôn quý của nhà Thánh, được các Thanh đồng cất giữ rất cẩn thận và có nghi thức khai quang trước khi mỗi giá hầu. Sự chú trọng và cầu kì về khăn áo không chỉ thể hiện được tấm lòng tôn kính của con người với bậc bề trên, mong muốn mang đến những điều tốt đẹp nhất khi thực hiện nghi lễ, mà thông qua những chi tiết và hoa văn, chúng ta còn thấy được nét văn hóa truyền thống độc đáo rất riêng của người dân đất Việt được truyền lại từ bao đời.
Tranh sơn mài của hoạ sĩ Trần Tuấn Long |
Với quan niệm, Thánh Thần là những người có phép thuật, có công giúp nước, được sắc phong và tôn kính bởi vua quan nhiều triều đại phong kiến, nên trong quan niệm dân gian, trang phục của các Ngài cũng là những bộ trang phục sang trọng đẹp đẽ như của vua quan, quý tộc, mang đậm màu sắc văn hóa cung đình xưa, nhưng đồng thời cũng gần gũi và đời thường, thể hiện những đặc điểm về xuất thân và nét văn hóa riêng biệt những địa danh được nhắc tới trong huyền tích.
Sự độc đáo của văn hóa vùng miền thể hiện rất rõ qua trang phục các giá thuộc Nhạc phủ. Hầu hết các vị đều là những người thuộc dân tộc miền núi như dân tộc Mán (Chầu đệ nhị thượng ngàn), người Nùng (Chầu Lục), người Mường (Cô đôi thượng ngàn)… nên khi tái hiện các Ngài, các Thanh đồng đều cố gắng thể hiện dáng vẻ gần gũi đời thường, và đúng nhất đặc điểm của dân tộc vùng cao, như mặc áo cõn, eo đeo xà tích, vòng đeo cổ bạc, đầu chít khăn củ ấu, chân quấn xà cạp, tay múa mồi và làm những hoạt động như lên nương làm rẫy, lên rừng hái thuốc… Chính sự kết hợp tài tình và khéo léo giữa nét đẹp văn hóa vùng đồng bằng và những dân tộc miền núi, của các cụ khi xưa đã góp phần tạo nên tính đa dạng và độc đáo của tín ngưỡng, đồng thời qua đó củng cố lòng đoàn kết giữa các dân tộc trên đất nước Việt Nam.
Trong các hoạt động tâm linh, đặc biệt với tín ngưỡng Thờ Mẫu Tứ phủ, các cụ vẫn thường dặn dù làm gì, thành hay không, cốt ở cái Tâm. Việc hầu Thánh cũng vậy. Ai cũng muốn mang những gì đẹp đẽ nhất, tốt nhất dâng các Ngài, song đặt trong bối cảnh xưa, với những quy định chặt chẽ của các triều đại phong kiến về trang phục, khăn chầu áo ngự trong Hầu đồng có phần đơn giản hơn sự tưởng tượng của dân gian rất nhiều. Không thể mặc những trang phục như áo bào thêu rồng phượng, các thanh đồng xưa chỉ đơn giản với một bộ hạ y trắng, một "manh áo đỏ" - chiếc áo bản mệnh được Thánh ban và khăn phủ diện. Màu trắng của bộ hạ ý là nền tảng, không chỉ góp phần làm nổi bật màu của những trang phục sặc sỡ được mặc phía ngoài, mà đồng thời nó còn tôn lên cốt cách của những “Thanh đồng” thanh bạch, trong sáng, tâm hồn không vướng tư lợi. Trong điều kiện ít ỏi đó, các cụ vẫn rất khéo léo thể hiện đúng đặc điểm các giá hầu qua những chi tiết vô cùng tinh tế như dải lụa thắt lưng bằng bốn màu khác nhau, qua cách thắt khăn, phong thái và hành động trong từng vấn hầu...
Sự cởi mở hơn của xã hội cũng như phát triển của kinh tế taọ điều kiện các Thanh đồng sắm sửa nhiều trang phục cầu kì và đẹp mắt hơn. Vẫn bộ hạ y trắng, vẫn áo bản mệnh cùng khăn phủ diện, song khác với khi xưa, các chi tiết và hoa văn vốn thường xuất hiện trên trang phục của hoàng tộc nay trở thành những chi tiết được thêu phổ biến trên khăn chầu áo ngự. Dưới bàn tay tài hoa, khéo léo của các nghệ nhân lại tôn lên nét đẹp và sự quý phái của các Ngài.
Được gìn giữ và lưu truyền trong dân gian, mà chủ yếu là qua hình thức truyền miệng cùng kinh nghiệm vốn có của mỗi người, nên có thể nói trang phục hầu đồng có nhiều dị bản khác nhau, hầu hết nằm ở chi tiết và hoa văn. Những quy tắc cổ như rồng trên áo quan chỉ có 3 hoặc 4 móng, dải nét chỉ dành cho hàng Hoàng, hay hầu hết các giá chầu nam đều không đi hia mà đi hài… đến nay còn rất ít người biết. Thay vào đó, nhiều bộ trang phục hiện nay được thêu và may theo nhu cầu, thị hiếu của thị trường. Thay vì hoa văn mang đặc trưng của văn hóa Việt, trang phục lại được thêu đầy những họa tiết được du nhập từ văn hóa Trung Quốc, qua phim ảnh và các kênh truyền thông xã hội. Chính điều này khiến chúng ta phải quan ngại về sự mai một của những nét đẹp được gửi gắm trong những bộ khăn chầu áo ngự truyền thống.
Nhận thấy ảnh hưởng của yếu tố thời đại tới những giá trị truyền thống, mong muốn lưu giữ nét đẹp độc đáo từ khăn chầu áo ngự xưa cũng như trang phục truyền thống trong cung đình Việt, [mau.] với những nỗ lực của mình mong muốn có thể hệ thống và đưa đến cái nhìn rõ nét, thực tế, gần gũi nhất về một trong những nét đẹp độc đáo rất riêng mà Hầu đồng và Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ đem lại. Qua đó lan tỏa tình yêu với văn hóa dân tộc tới mọi người, để những điều đó không còn mai một và biến mất theo thời gian.
mau.
Nhận xét
Đăng nhận xét