GIỚI THIỆU MAUCHAM
[mau.]: Mẫu, màu hay mau.
Việt Nam - mảnh đất ngàn năm văn hiến, nơi in dấu của những trang sử hào hùng, của máu, mồ hôi và nước mắt từ biết bao thế hệ để trở thành một đất nước độc lập và mạnh mẽ như ngày hôm nay. Và những dấu son của thời đại ấy vẫn ngày ngày được lưu giữ, nhắc lại, được truyền từ đời này sang đời khác, qua những điều lớn nhỏ trong cuộc sống, từ nét đẹp trong hoạt động văn hóa tín ngưỡng, cho đến những dòng thơ, lời ca thắm đượm tình yêu thương dành cho mảnh đất và con người.
Trong đời sống tinh thần của người Việt từ xưa tới nay, tâm linh luôn là một trong những yếu tố giữ vị trí quan trọng nhất. Con người dù có tin hay không tin, tín hay không tín, đứng trước bất cứ ngôi đình mái chùa nào cũng đều rủ tai nhau: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành.”, để thấy rằng những giá trị của tôn giáo và tín ngưỡng như đã ăn sâu vào máu, trở thành một điểm tựa tinh thần vững chắc của hàng ngàn đời dân đất Việt.
Nước ta đã phải trải qua những giai đoạn lịch sử đầy khắc nghiệt, bị áp bức và đô hộ bởi nhiều quốc gia khác nhau, nhưng đứng trước nguy cơ mai một và biến mất sự du nhập, giao thoa của những nền văn hóa khác, thờ Mẫu vẫn hình thành và phát triển mang những nét đặc trưng tiêu biểu của dân gian và văn hóa của riêng Việt Nam, là nét tín ngưỡng của người Việt. Trải qua nhiều năm bị cấm đoán, bài trừ với cái mác “mê tín dị đoan”, tín ngưỡng thờ Mẫu vẫn âm thầm được bảo vệ, lưu giữ và phát triển tới ngày hôm nay, trở thành nét văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.
Tín ngưỡng thờ Mẫu hay Đạo Mẫu tại Việt Nam được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau, nhưng trong tâm thức dân gian của người Việt, chúng đều để nói về hoạt động tâm linh, thờ phụng những vị thánh, thần mà trung tâm chính là “Mẫu”, là hình tượng của “mẹ” bao la, rộng lớn, bao trọn sông núi biển trời, lại gần gũi, ấm áp để tựa vào, mong cầu sự chở che, đùm bọc…
Thông qua những hoạt động thực hành Tín ngưỡng, Đạo Mẫu truyền tải những giá trị truyền thống được lưu giữ ngàn đời của người Việt. Song đứng trước sự đổi thay của thời đại, sự “mau chóng” của dòng thời gian, những tinh hoa văn hóa ấy đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Bên cạnh quá trình hội nhập trở thành thách thức trong hoạt bảo tồn những giá trị văn hóa, thì sự thờ ơ, thiếu quan tâm cũng như hiểu biết về lịch sử, văn hóa dân tộc của đa số người trẻ khiến chúng ta phải quan ngại, lo lắng cho việc bảo tồn và phát huy những nét đẹp này trong tương lai.
Với mong muốn tôn vinh, lan tỏa tình yêu cũng như lòng tự hào đối với những nét văn hóa đặc sắc của người Việt, [mau.] là dự án được thực hiện bởi nhóm sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhằm tạo ra những cái nhìn chuyên sâu và mới lạ về tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ dưới góc nhìn nghệ thuật, thông qua màu sắc và hoa văn trên hệ thống trang phục được sử dụng trong hoạt động thực hành tín ngưỡng - “Lên đồng”. Đồng thời, chúng tôi cũng mong muốn đưa những giá trị nhân sinh sâu sắc và ý nghĩa hàm ẩn trong đó tiếp cận sâu và rộng hơn nhóm đối tượng trẻ, những người đã, đang và sẽ là chủ nhân của đất nước, những người sẽ kế thừa và mang trong mình trách nhiệm phát huy trang sử hào hùng của dân tộc.
mau.
Nhận xét
Đăng nhận xét