SẮC MÀU TỨ PHỦ - NÉT ĐỘC ĐÁO CỦA VĂN HÓA VÀ TÍN NGƯỠNG
Sắc màu Tứ phủ |
Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tứ Phủ là tín ngưỡng nội sinh độc đáo, hình thành mang theo những đặc điểm đời sống sinh hoạt và tinh thần của người Việt. Sự đa dạng của văn hóa vùng miền đã tạo nên nét phong phú cho bức tranh tín ngưỡng, khi mà mỗi vị Thánh lại một huyền tích riêng, hình mẫu khác nhau, tạo nên những cách tái hiện khác biệt trong hoạt động “Hầu đồng”, mà rõ nét nhất là qua hệ thống trang phục đặc sắc.
Tứ phủ tượng trưng cho 4 khía cạnh của cuộc sống, được biểu trưng bằng 4 màu tiêu biểu nhất theo quan niệm dân gian gồm màu đỏ của Thiên phủ, Thượng ngàn màu xanh, Thoải phủ màu trắng và Địa phủ là màu vàng. Bên cạnh 4 sắc chính được sử dụng, màu đen có xuất hiện như yếu tố phụ, làm nền cho những bộ quần áo bên trong. Ngoài ra còn có những màu chàm, lam, lục, tím (xuất hiện ở các giá Thánh bản địa và hàng Thánh cô).
Hệ thống Thần linh đồ sộ của Đạo Mẫu được hình thành có sự đan xen hài hòa giữa nam và nữ, trải qua thời gian dài phát triển gắn liền với sự phát triển của xã hội, hình ảnh của các Ngài trong suy nghĩ con người càng được hoàn thiện hơn. Như quan niệm xưa, Thánh là bậc bề trên, là người đến vua còn phải kính trọng, nên trang phục hầu thánh thường mang đặc trưng của quan tước quý tộc phong kiến. Hình ảnh của những chiếc áo gấm thêu bối tử, thủy ba, ổ chữ Phúc hay hổ phục, đầu đội khăn xếp lưng quấn dải khăn thêu rồng chầu nhật nguyệt cùng khánh vàng đeo cổ trở thành nét đặc trưng tiêu biểu cho những giá hầu Thánh Nam.
Đối với các Thánh nữ trang phục có phần phong phú, đa dạng hơn. Phần là do số lượng Thánh Nữ lớn hơn, đồng thời sự xuất thân của các Ngài cũng đa dạng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, về cơ bản, vẫn có áo dài (với màu sắc, kiểu dáng khác nhau phù hợp với từng phủ, từng bậc), ngoài ra có những loại áo đặc trưng của vùng miền như áo tứ thân, chân váy đụp hoặc chân quấn xà cạp, đặc trưng của đồng bào dân tộc vùng cao. Ngoài ra, thanh đồng khi hầu Chầu Bà hoặc Thánh Cô còn có các loại khăn, dải khăn quấn đầu, dây lưng, khăn quàng cổ, quạt lông nhiều màu sắc, đồ trang sức tôn lên dáng vẻ kiêu kỳ quý phái, không ai giống ai của các Ngài.
Nếu “Hầu đồng” khi xưa đơn sơ với áo dài trắng, khăn xếp đai vải thì nay, cùng với sự phát triển của kinh tế-xã hội, độ tỉ mỉ và cầu kỳ của trang phục đối với nghi lễ quan trọng của tín ngưỡng càng được quan tâm. Qua bàn tay tài hoa của nghệ nhân làng thêu Đông Cứu nổi tiếng, những bộ quần áo được sử dụng trong “Hầu đồng” không chỉ tôn lên giá trị nghệ thuật độc đáo của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ, mà còn góp phần duy trì và phát huy vẻ đẹp cổ truyền của nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt.
mau.
Nhận xét
Đăng nhận xét