ĐỆ NHẤT VƯƠNG QUAN
“Quan Đệ Nhất uy nghi trung chính
Vốn khiêm nhường đức tính oai linh
Tôn quan lẫm liệt thiên đình
Làm mưa, làm gió, đổ thành, lấp sông”
(Trích “Văn chầu Quan Đệ Nhất”)
Vốn khiêm nhường đức tính oai linh
Tôn quan lẫm liệt thiên đình
Làm mưa, làm gió, đổ thành, lấp sông”
(Trích “Văn chầu Quan Đệ Nhất”)
Đồng đền Lưu Ngọc Đức |
Ngũ Vị Tôn Quan hay Ngũ Vị Vương Quan là năm vị quan lớn thừa lệnh Vua Cha, Thánh Mẫu cai quản Tứ Phủ. Đứng đầu trong năm vị Quan lớn chính là Đệ Nhất Tôn Quan.
Quan Lớn Đệ Nhất Thượng Thiên, hay còn gọi là Đệ Nhất Tôn Ông, vốn là con trai cả của Đức Vua Cha Bát Hải Động Đình. Tương truyền ông được sắc phong ngôi Thượng Thiên Nhất Phẩm Công Hầu, là Tôn quan đại thần trên Đế Đình Thiên Cung, quản cai tam giới đình thần văn võ. Tuy nhiên trong lịch sử ông không giáng trần, nên trước đây không có đền thờ riêng. Hiện nay đền Quan lớn Đệ nhất thuộc quần thể di tích đền Vua Cha Bát Hải Động Đình. Các Thánh thuộc Thiên Phủ trước nay đều rất ít giáng đồng, do vậy, Đệ Nhất Vương Quan cũng thường chỉ về trong những dịp quan trọng như khai đàn, mở phủ, thỉnh Ngài về chứng đàn Thiên Phủ.
Trang phục của các vị Thánh Nam thuộc Tứ phủ đều có những điểm tương đồng giống nhau, đôi khi cùng một bậc thì chỉ khác màu, còn hệ thống chi tiết hầu như không có khác biệt. Là vị quan được giao quyền cai quản Thiên Phủ nên khi giáng đồng, Quan lớn thường ngự áo may theo lối ngũ thân cổ đứng màu đỏ, trên ngực thêu mãng (rồng 4 móng) hoặc hổ phù, thân rồng uốn lượn xen lẫn đoản mây. Viền cổ có thể thêu lá bồ đề, hoặc mây hình lá sen, cổ áo thêu rồng chầu cách điệu từ hoa lá. Mang đậm dấu ấn trang phục cung đình Huế, hình tượng sóng vĩ ba được thêu ngũ sắc hoặc chỉ đồng màu áo. Có thể thêu cùng hình tượng cá chép hóa rồng, rồng chầu nhật hoặc hai con lân đầu rồng đối xứng hai bên theo lối trang phục của quan lại thời Nguyễn. Tay áo hai bên thường được thêu viền triện, đôi khi biến tấu thêu thủy ba tay áo kèm hình rồng uốn lượn đoản mây nhỏ. Các chi tiết phụ chủ yếu là hình mây ngũ sắc, thêu vừa phải, làm nổi bật các chi tiết chính trên trang phục. Trước đây khi chưa có điều kiện về trang phục thêu, khăn áo hầu giá các Quan chủ yếu là áo gấm dệt chữ thọ, phúc, ổ hoa hoặc rồng bay, rồng chầu, có thể sử dụng áo công đồng để hầu cũng được... Để phân biệt với giá Hoàng, các giá Thánh Bà, Thánh Cô, Thanh đồng thường vắt trên vai mạng thêu rồng chầu mặt nguyệt, màu đồng màu áo, từ bên trái kéo xuống sườn bên phải. Tuy nhiên hiện nay còn rất ít người giữ được nét độc đáo này khi hầu Thánh.
Như trang phục truyền thống, các giá hầu đồng đều đội khăn xếp rồi mới lên khăn. Khăn xếp khi xưa chỉ có màu đỏ bằng vải xa tanh, hoặc nhung nỉ, các nếp xếp khăn ít và mỏng hơn hiện nay. Để phong phú hơn, hiện nay có nhiều màu khăn xếp hơn để đông bộ với màu áo hoặc trang phục hầu Thánh, đặc biệt là với các Thánh Bà, Thánh Cô. Tuy nhiên, theo quan niệm xưa, khăn xếp của các giá Quan lớn nên giữ nguyên màu đỏ, chỉ thay đổi nét sao cho phù hợp với màu áo để giữ được sự tôn nghiêm của bóng Ngài khi nhập đồng. Nét buộc trên vành khăn xếp các giá Quan đều thêu rồng chầu nhật, nguyệt. Đầu có thể búi tóc, cài trâm theo lối các thánh nam, trên ngực đeo kim bài ghi hiệu Tôn Quan hoặc “Ngũ Vị Tôn quan”, “Ngũ Vị Vương Quan” trên khuy áo ngực bên phải.
Thay cho đai ngà trên trang phục quan lại xưa, các giá hầu Quan lớn đều thắt đai lụa buộc sườn bên phải, hoặc đai hộp thêu ổ rồng, tứ linh hoặc rồng chầu cùng màu với màu áo. Với trang phục hầu đồng có một đặc điểm chung là chân đi hài chứ không đi hia. Theo quan niệm dân gian, hia và mũ cánh chuồn được dùng trên trang phục đại triều. Còn khi giáng đồng, các Ngài xuống với con dân, là bậc phụ mẫu, vậy nên chỉ mang khăn xếp chân đi hài gấm thêu chữ thọ, mây, vừa tạo cảm giác thân mật, gần gũi mà vẫn tôn lên được phong thái tôn nghiêm nhà Thánh.
Thời nay, trang phục Hầu đồng nói chung có nhiều thay đổi rõ rêt, từ chất liệu vải tới hệ thống chi tiết được thêu trên áo. Đôi khi là mỗi nhà may một kiểu thêu, một kiểu cách điệu, bắt kịp các xu thế và du nhập từ văn hóa nước ngoài, mà hầu hết là từ Trung Quốc. Mặc dù trang phục ngày càng đẹp và cầu kì, giúp cho những vấn hầu càng trở nên tráng lệ đẹp mắt, song cũng khiến những nét truyền thống trong khăn áo hầu đồng đang dần bị mai một. Những nguyên tắc của khăn chầu áo ngự vẫn được tuân theo dưới hình thức nào đó, song cũng có nhiều bộ trang phục mới được tạo ra, không có tiêu chuẩn hay quy tắc, đôi khi là không phù hợp, làm mất đi tính tôn nghiêm của nghi lễ, đi cùng những biến tấu trong hành động, có thể tạo ra những cái nhìn không đúng về Tín ngưỡng và Nghi lễ. Đó chính là lí do [mau.] cố gắng hệ thống và tìm về những nguyên tắc cơ bản trong khăn áo hầu Thánh.
mau.
Nhận xét
Đăng nhận xét