HẦU ĐỒNG LÀ GÌ?


“...Làm đồng cho đáng lên đồng
Một manh áo đỏ suốt đời thủy chung...”

“Hầu đồng” hay “hầu bóng” là một nghi thức trong hoạt động tín ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc (dòng Shaman giáo), trong đó có tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Về bản chất, đây là nghi thức giao tiếp với thần linh thông qua các tín đồ Shaman (ông đồng, bà đồng). Người ta tin rằng các vị thần linh có thể nhập linh hoặc bóng vào thân xác các ông đồng, bà đồng nhằm phán truyền, diệt trừ tà ma, chữa bệnh, ban phúc, ban lộc cho các con nhang, đệ tử. Khi thần linh giáng bóng vào đồng thì lúc đó các ông đồng, bà đồng không còn là mình nữa mà là hiện thân của vị thần nhập vào họ.

Ở Việt Nam, lên đồng là nghi thức không thể thiếu trong các tín ngưỡng dân gian, đặc biệt là Tín ngưỡng Tứ Phủ. Người đứng giá hầu đồng thường được gọi là Thanh Đồng (“thanh” ở đây là trong, sạch, thuần khiết, không gợn chút pha tạp nào; “đồng” là đứa trẻ con. Theo quan niệm dân gian, Thanh đồng được coi là những người có khả năng đặc biệt, được tuyển chọn bởi các vị Thánh, Thần. Dân gian có câu: "Sạch sành sanh mới được manh áo đỏ...". “Manh áo đỏ” là để chiếc áo công đồng, là chiếc áo bản mệnh của mỗi thanh đồng. Ý nói làm việc nhà Thánh không phải điều dễ dàng, không đơn thuần dựa vào tâm trong đức sáng sau khi các Thanh Đồng trải qua được "ba năm thử lính" của các Ngài, mà đôi khi là mất “sạch sành sanh”. Có những người đến “cửa Thánh” khi phải trải qua giai đoạn “nghiệp đổ”, khi không còn gì trong tay, phải cậy nhờ nhà Ngài giúp đỡ. Vì thế, khi ở dưới chân hầu cận các Thánh, họ như  “đứa trẻ” được sinh ra thêm một lần nữa, chưa biết gì, cần được học, cần được dạy dỗ. Cũng bởi họ là những người phụng sự bậc Thánh Thần, nên thông thường, các Thanh Đồng được gọi là “cô”, “cậu”, nhằm thể hiện sự tôn trọng, bên cạnh có hai hoặc bốn phụ đồng (được gọi là nhị trụ hoặc tứ trụ hầu dâng) giúp chuẩn bị trang phục, lễ lạt...

Nghi lễ Hầu đồng là hoạt động tiêu biểu của Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tứ phủ, song không phải dịp gì cũng hầu, lúc nào cũng hầu, mà các thanh đồng thường chỉ hầu vào các dịp lễ đặc biệt trong năm. Cốt lõi của hoạt động nằm ở việc các Thanh đồng làm lễ mời các Thánh về ngự đồng. Mặc dù số lượng các Thánh được phụng thờ trong Tín ngưỡng rất lớn, tuy nhiên dân gian thường nói về 36 giá hầu tiêu biểu nhất. Nói vậy không có nghĩa một vấn hầu có cả 36 giá đều ngự đồng. Sẽ có những giá không ngự hoặc chỉ về "tráng bóng" (Thánh về chứng đàn, không tung khăn “làm việc”), nên trên thực tế vấn hầu chỉ có nhiều nhất là từ 10 đến 12 giá hầu về ngự đồng.

Không chỉ là một trong những nghi lễ quan trọng hàng đầu của Tín ngưỡng, Hầu đồng còn thể hiện những nét đẹp văn hóa truyền thống có một không hai của người Việt. Những điệu múa thiêng là sự kết hợp hài hòa giữa bài múa đậm chất cung đình và hoạt động đời sống như khâu vá, chèo thuyền, lên rừng đốt nương làm rẫy... cho tới làn điệu chầu văn là kho tàng truyện cổ thú vị. Khăn áo hầu đồng cũng là nét đặc sắc của của văn hóa truyền thống. Những bộ trang phục được sử dụng riêng cho từng giá hầu không chỉ mang đậm màu sắc văn hóa cung đình, nó còn thể hiện rõ nét tính thời đại và văn hóa vùng miền. Tất cả góp phần tạo nên sự thăng hoa cho Thanh đồng, tạo nên một vấn hầu trọn vẹn mang đậm tính nghệ thuật và màu sắc tâm linh.

Việc thực hiện nghi lễ Hầu đồng trước hết là để giải tỏa về mặt tinh thần cho chính Thanh đồng và những người tham gia vấn hầu. Tâm lý chung của con người từ bao đời nay, đặc biệt là người Á Đông, khi gặp khó khăn, trắc trở trong cuộc sống, họ thường tìm đến Thánh, Thần, cầu mong sự chở che, giúp đỡ, dẫn đường chỉ lối từ những người “ở trển”, ở Thế giới tâm linh huyền bí. Và nghi lễ “hầu đồng” trong Đạo Mẫu được coi như cánh cửa giữa hai thế giới đó, giữa cõi hư với cõi thực. Bởi vậy, cũng như bất kỳ tôn giáo hay tín ngưỡng nào trên Thế Giới, Tín ngưỡng thờ Mẫu nói chung và nghi lễ Hầu đồng nói riêng trở thành chỗ dựa tinh thần cho đời sống tâm linh của người Việt Nam.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, trong bối cảnh thời đại mà người ta vẫn nói đùa rằng “hòa nhập thì ít, hòa tan thì nhiều”, sự ảnh hưởng và giao thoa về văn hóa, xã hội khiến “hầu đồng” hiện đại đã có nhiều thay đổi. Sự xuất hiện của những cái mới trên nền tảng sẵn có, cũng như những biến tướng như thương mại hóa Tín ngưỡng, “buôn thần bán thánh” khiến những giá trị truyền thống cốt lõi đang bị hiểu sau hoặc có nguy cơ mai một và biến mất. Chính vì vậy, việc hiểu thực sự vấn đề cũng như nhìn nhận một cách khách quan là điều cần thiết để chúng ta có được nhận định đúng đắn và có hành động phù hợp, để có thể kịp thời bảo tồn và lưu giữ những nét văn hóa đẹp của dân tộc.

mau.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

DẤU ẤN CUNG ĐÌNH NƠI CÕI THÁNH

TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU TỨ PHỦ - NÉT ĐẸP VĂN HÓA MANG GIÁ TRỊ NHÂN LOẠI

"KHĂN CHẦU AÓ NGỰ" - NÉT ĐẸP TRUYỀN THỐNG VÀ SỰ BIẾN ĐỔI CỦA THỜI ĐẠI