BIẾN TƯỚNG TÍN NGƯỠNG

"NHẤT TÂM NHẤT NGUYỆN NHẤT ỨNG"...

Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tứ phủ là nét văn hóa lâu đời, gắn liền với đời sống tinh thần của người Việt. Thông qua các nghi lễ và hoạt động thực hành, ông cha luôn gửi gắm những giá trị nhân sinh sâu sắc như “uống nước nhớ nguồn”, tu tâm dưỡng tính, sống cho “tốt đời, đẹp đạo”. Nhưng thực tế hiện nay, nhiều người đến với tín ngưỡng, dù là thanh đồng hay con nhang đệ tử lại chưa có được những hiểu biết cơ bản về giá trị, ý nghĩa thực của tín ngưỡng, dẫn đến những sai lệch và biểu hiện tiêu cực khi thực hành các nghi lễ. Mà tiêu biểu rõ nét nhất chính là tình trạng thương mại hóa Đạo Mẫu.

Con người khi tìm đến Thánh Thần thường mong cầu công danh tài lộc, bình an. Đó là tâm lý xuất phát từ xa xưa của người Việt. Vậy nên việc sẵn sàng thực hiện những khóa lễ cầu an giải hạn, trình đồng mở phủ, trước hết là để giải quyết vấn đề tâm lí của những người tới cửa điện là điều dễ hiểu. Nhưng sự phát triển của kinh tế xã hội cùng quan niệm như “tốt lễ dễ kêu” hay “trần sao âm vậy” đã khiến những quan niệm và hy vọng thuần túy ban đầu bị biến tướng trong hoạt động thực hành tín ngưỡng. Nếu trước đây, các khóa lễ được thực hiện đều mang hai từ “tùy tâm”, tùy vào khả năng, điều kiện của mỗi người, thì nay, dường như chữ “tâm” lại  được đo bằng độ lớn của mâm lễ. Phải chi thật nhiều, đồ lễ phải thật to,Thần Thánh còn được cúng ô tô máy bay, đốt thật nhiều vàng mã... Tất cả khiến giá trị nhân văn, cái gọi là “nhất tâm nhất nguyện nhất ứng” ít nhiều bị lãng quên. Chưa kể, có một số người lại tận dụng tâm lý phụ thuộc của con nhang, sẵn sàng dọa nạt, hét giá lên tới vài trăm triệu một khóa lễ, khiến những người dù không có đủ điều kiện cũng cố vay mượn để sắm lễ với tâm lý sợ sệt và hoang mang. Những người thầy ấy, đáng ra phải dẫn đường chỉ lối cho kẻ trần đi đúng đường đúng hướng, thay vào đó lại cổ súy cho lối cuồng tín thiếu kiến thức, thiếu hiểu biết, lại dựa vào đó để làm giàu, để trục lợi. Sự bất cập đến từ cả hai phía không những là vấn đề nhức nhối của xã hội, mà còn làm xuất hiện nhiều quan điểm tiêu cực định kiến về tín ngưỡng, về những người thầy chân chính.

Hầu đồng với việc được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đã mở ra một cánh cửa mới cho hoạt động thực hành tín ngưỡng tại Việt Nam, đồng thời lại đi kèm với những bất cập làm ảnh hưởng đến  hình ảnh của tín ngưỡng nói riêng và văn hóa nói chung. Bỏ qua những tiêu chuẩn và quy định trong Tín ngưỡng Thờ Mẫu,  có những người dù mới chỉ ra hầu đồng 1 năm đã tự xưng là thầy, coi “Hầu đồng” là một hình thức giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống. Việc thiếu những kiến thức căn bản, cố tình làm sai lệch mục đích tốt đẹp của Tín ngưỡng và đặc biệt là sự a dua, chạy theo lợi ích phù phiếm đã khiến cho nét đẹp văn hóa đặc sắc được thể hiện trong nghi lễ hầu đồng dần bị mai một và biến mất, thay vào đó là sự tùy hứng, thiếu nguyên tắc trong các vấn hầu, mà rõ nét nhất có thể nhìn qua trang phục, hát chầu văn hay hoạt động như múa thiêng.

Bỏ qua những nét tinh hoa trong trang phục cổ truyền thống, trang phục hầu đồng hiện nay có sự kết hợp, du nhập những chi tiết kiểu cách theo xu thế, tây chẳng ra tây, ta chẳng ra ta, khiến trang phục không còn tôn lên nét đẹp phong thái nhà Ngài khi về ngự. Đội ngũ cung văn cũng có nhiều biểu hiện lệch lạc khi còn đưa âm nhạc hiện đại vào hát văn như âm nhạc múa sạp Tây Bắc, “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” thậm chí có cả ca khúc Lào như “Hoa Chăm pa”, “Em là cô gái Lào”… Nhiều người mới học nghề vài ba tháng cũng ra nhập đội ngũ hát văn dẫn đến tình trạng sai lệch nhiều lời hát, vần điệu…Thậm chí, nhiều thanh đồng hiện nay khi hầu Thánh lại có những hành động kì lạ quá đà như gào, thét, đôi khi phản cảm như hô hấp nhân tạo cho người tới xem để chữa bệnh, “mút tay” để chữa bệnh... Hiệu quả của những hoạt động đó ra sao chúng ta chưa bàn đến, nhưng khi nhìn vào đã cảm thấy không hợp lí, làm mất hoàn toàn sự trang nghiêm, chỉnh chu khi hầu Thánh. Chính những hiện tượng lệch chuẩn này đã phá vỡ nét đẹp thuần phong mỹ tục, làm mất đi nét đẹp văn hóa tâm linh, khiến dư luận xã hội ngày càng có cái nhìn thiếu đúng đắn về Tín ngưỡng.

Mặc dù trên thực tế, đại đa số các thanh đồng vẫn giữ được tâm niệm và nguyên tắc khi thực hành tín ngưỡng, đều cố gắng để gìn giữ và phát huy giá trị tốt đẹp cha ông truyền dạy, nhằm đem lại cái nhìn tích cực và chính xác nhất, nhưng “Làm trăm điều tốt không ai nhớ, chỉ một việc nhỏ đã thất thời”. Những biến tướng và biểu hiện tiêu cực của một vài người khi thực hành tín ngưỡng đang làm khiến cho bức tranh về Đạo Mẫu dần trở nên xấu xí, những giá trị thực, ý nghĩa nhân sinh ngàn đời được gửi gắm, thay vào đó trở thành những hiện tượng mê tín dị đoan trong quan điểm xã hội. Vấn đề nào cũng có những mặt hạn chế và tích cực, song chúng ta vẫn cần đánh giá đúng tầm quan trọng của Tín ngưỡng với đời sống, rằng “Hầu đồng” và Tín ngưỡng Thờ Mẫu là những nét đẹp cần phải được bảo vệ và duy trì. Trước những bất cập, thay đổi của xã hội, chúng ta lại cần có những hiểu biết sâu hơn, toàn diện hơn. Chỉ như vậy mới có thể nhìn nhận vấn đề một cách đúng đắn, loại bỏ những biến tướng, biểu hiện tiêu cực để giữ đúng những giá trị cốt lõi, ý nghĩa tốt đẹp của tín ngưỡng nói riêng và văn hóa nói chung!

mau.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

DẤU ẤN CUNG ĐÌNH NƠI CÕI THÁNH

TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU TỨ PHỦ - NÉT ĐẸP VĂN HÓA MANG GIÁ TRỊ NHÂN LOẠI

"KHĂN CHẦU AÓ NGỰ" - NÉT ĐẸP TRUYỀN THỐNG VÀ SỰ BIẾN ĐỔI CỦA THỜI ĐẠI