THIÊN PHỦ THÁNH BÀ

Đồng đền Lưu Ngọc Đức
Kề cận bên cạnh Mẫu Liễu Hạnh và Tam tòa Thánh Mẫu, nắm quyền trông coi thiên phủ, giữ sổ tam tòa chính là các vị Chầu Bà. Thiên Phủ có hai vị Thánh Bà, do không giáng trần hoặc được quan niệm là hiện thân của Mẫu Thần Chủ nên đều được phối thờ tại các di tích đền, phủ chính của Mẫu Liễu Hạnh.
Chầu Đệ Nhất Thượng Thiên được coi là hóa thân của Mẫu Đệ Nhất. Chầu Bà vốn là Thiên Cung Tiên Nữ, con vua Ngọc Hoàng, giáng hiện ở xứ Thanh giúp dân hộ quốc. Trong hàng Tứ Phủ Chầu Bà, bà là vị ở ngôi cao nhất, cai quản Thượng Thiên, nắm giữ sổ Tam Tòa. Cũng là tiên nữ Thiên Đình, Chầu Chín Cửu Tỉnh tương truyền là sinh giáng ở đất Bỉm Sơn, Thanh Hóa, làm phúc giúp dân. Sau này khi thác hóa bà trở thành vị Chầu Bà kề cận bên Thánh Mẫu Liễu Hạnh, biên chép sổ sách bên Cửu Trùng Thiên Cung Vạn Hoa Vương Mẫu. Còn có quan niệm bà cũng là người cai quản 9 giếng thiêng đất xứ Thanh.
Cũng như Quan lớn Đệ Nhất, Chầu Đệ Nhất và Chầu Cửu đều rất ít giáng đồng. Hai bà thường chỉ về trong những dịp lễ vui hoặc về chứng đàn Thiên Phủ màu đỏ, đôi khi Chầu Cửu cũng giáng đồng tại các dịp lễ tại Phủ Dày, Nam Định hoặc Đền Sòng Sơn, Thanh Hóa. Khi về ngự, các bà đều khai quang và múa quạt.
Vì các Thánh Bà đều được giao quyền, chịu trách nhiệm cho công việc tại Thiên Phủ nên màu sắc cơ bản đại diện cho các bà đều là màu đỏ, trang phục đều thướt tha, điệu đà, thể hiện màu sắc của tiên cung thần nữ...

- Bên trái: Trang phục hầu Thánh Bà Đệ Nhất Thượng Thiên thêu phượng, dùng khăn voan chùm, mặc quầy.
- Bên phải: Trang phục hầu Chầu Bà Đệ Nhất dùng áo gấm dệt chìm phượng, hoa, đầu chít khăn buồm thả phía sau.

Do ít khi giáng hiện nên hầu như không có ghi chép về trang phục hầu các Thánh Bà Thiên Phủ theo lối cổ của các cụ xưa. Về cơ bản khi hầu giá Chầu Đệ Nhất và Chầu Cửu trang phục tương đốigiống nhau, chỉ khác màu (Chầu Đệ Nhất áo đỏ, khăn đỏ, Chầu Cửu mặc màu hồng cánh sen) . Nhiều Thanh đồng không có điều kiện, có thể dùng khăn áo của giá Chầu Đệ Nhất hầu Chầu Cửu, thay dải lụa hoặc khăn voan để phân biệt rõ hai giá Chầu.

Trang phục của các vị Thánh Bà hầu như là kiểu áo năm thân khuy cài nách hoặc áo tứ thân xẻ giữa mặc ngoài yếm (có nét tương tự kiểu áo nhật bình thời Nguyễn) thêu phượng thêu hoa, hoặc áo gấm dệt lụa, dệt hoa. Xưa kia khi chưa có điều kiện may các kiểu áo nữ, đôi khi các cụ đồng chỉ có 4 áo với 4 màu khác nhau, thường là áo dệt dùng chung. Vậy nên để phân biệt áo Quan, áo Hoàng với áo Chầu Bà, các cụ dùng mạng với một mạng đeo như khăn nhưng bắt chéo hai dải, một mạng để xuôi tạo thành dáng áo yếm mặc trong áo xẻ tà ở giữa, lưng thắt dải lụa buộc bên phải. Đây là cách mặc vô cùng độc đáo, tuy nhiên mới chỉ thấy tại các giá hầu Thánh Bà cai quản Thượng Ngàn, chưa thấy tại các giá hầu Thánh Bà vùng trung châu.

Các giá Chầu Bà xưa đều mặc áo ngắn hơn áo hàng Quan, có thể lửng giữa đầu gối, đôi khi ngắn hơn và không mặc quầy. Quầy đen trong các giá hầu Thánh mới chỉ được mặc sau giai đoạn thống nhất đất nước, du nhập theo lối hầu đồng từ miền Nam ra. Để tăng thêm sự mềm mại và duyên dáng, các Thanh đồng ngày nay đều mặc quầy khi hầu các giá Chầu, Chúa, cạp cuốn quanh lưng, gấu dài đến mắt cá, có thể thêu họa tiết hoa, phượng, thủy ba hoặc để trơn, tùy vào sở thích và nhu cầu của Thanh đồng.

Hiện nay khi hầu các Chầu Bà thuộc Thiên Phủ vẫn dùng áo ngũ thân cổ đứng khuy cài nách dệt hoa với viền cổ và viền tay khác màu trang phục, nhưng chủ yếu là áo thêu Phượng (3-4 móng và dải đuôi) ở trung tâm, gấu áo có cầu thủy và núi, có thể có hoặc cắt đi phần chân sóng. Tay áo thêu phượng bay đoản mây với viền tay là hoa hoặc viền mây. Các họa tiết hoa như Mẫu đơn thường được thêu nhỏ, hoặc cách điệu thêu trên đỉnh sóng thủy ba thay cho cá chép và rồng trên trang phục Quan lớn. Các Thánh Bà vùng trung châu xưa kia đều có thể lên khăn buồm, giống lối chít khăn quan niệm là dành cho các Chầu Nhạc Phủ hiện nay, song ngày nay, để phân biệt rõ, các Thanh đồng thường sử dụng một khăn voan mỏng thêu phượng, thêu hoa khi lên khăn các giá Chầu vùng trung châu như Chầu Đệ Nhất, Chầu Đệ Tam, Chầu Đệ Tứ, Chầu Cửu,..... Ngoài ra, khi hầu, Thanh đồng có thể đeo các chuỗi hạt (tuỳ điều kiện), hoặc đeo diều sây thêu phượng, lưng thắt đai dải lụa khác màu cho nổi, thả cả dài về trước (có khi đeo trấn thay cho dải lụa), tai đeo hoãn bạc, hoãn vàng hình phượng, tay đeo vòng vàng, đầu trâm hoa cài, chân đi hài phượng, hài hoa, tay cầm quạt, cầm khăn, toát lên dáng vẻ của những vị Tiên thanh cao quý phái.

Trang phục hầu các Thánh Bà nói chung đều rất đa dạng và phong phú, tuy ít khi giáng đồng nhưng khăn áo được sử dụng trong các giá hầu Chầu Bà Đệ Nhất và Chầu Cửu vẫn là những bộ trang phục tiêu biểu, thống nhất với khăn áo hầu của các giá Chầu Bà, là cơ sở để chúng ta hình dung và hiểu rõ hơn nét độc đáo của khăn áo hầu các giá Chầu khác, đặc biệt là sự khác nhau giữa các Thánh Bà vùng trung châu và thượng ngàn.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

DẤU ẤN CUNG ĐÌNH NƠI CÕI THÁNH

TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU TỨ PHỦ - NÉT ĐẸP VĂN HÓA MANG GIÁ TRỊ NHÂN LOẠI

"KHĂN CHẦU AÓ NGỰ" - NÉT ĐẸP TRUYỀN THỐNG VÀ SỰ BIẾN ĐỔI CỦA THỜI ĐẠI