"TRỜI" TRONG TÂM THỨC NGƯỜI VIỆT
“Thiên sinh vạn vật, duy nhân tối linh”
Từ thuở nguyên sơ, khi con người chưa thể giải thích cho những hiện tượng xảy ra trong cuộc sống đã hình thành tập tục tôn thờ các yếu tố tự nhiên. Hay nói cách khác, họ sợ gì, họ sẽ thờ đó, họ cần gì, họ sẽ “tạo nên” một vị thần đứng sau điều đó để phụng thờ. Vì vậy mới có thần sấm, thần mưa, thần gió... Cùng với tâm thức tôn thờ khả năng sinh sản của người phụ nữ, coi sinh sản là hình thức tạo ra vạn vật, người Việt đã thờ các “Bà mẹ”: “Bà đất”, “Bà nước”, “Bà trời” bên cạnh những vị thần cụ thể, là nền tảng của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ.
Với nền văn minh lúa nước, con người phương Đông sớm nhận ra bên cạnh đất để sinh sống và trồng trọt, nước để tưới tiêu, thì khí hậu, mưa, nắng là những yếu tố quyết đình tới mùa màng. “Trời sinh tiết khí” - trời nắm giữ quyền năng chi phối mọi yếu tố trong cuộc sống. Vậy nên con người tôn thờ “Trời” như đấng tối linh, quyền năng sinh ra cỏ cây vạn vật, sinh ra sự sống. Đến thời kì phong kiến, cùng sự xuất hiện của Đạo giáo và Nho giáo Trung Quốc, quan niệm về quyền năng trời trao càng được khẳng định. Vua là “Thiên tử”, là con trời, dựa vào quyền lực trời ban để thu phục, để cai trị con người, để có “Thiên đạo”... Tư tưởng của Đạo Giáo và Nho Giáo khi du nhập vào Việt Nam cũng đã tạo ra những thay đổi trong quan niệm của nhân dân ta, tác động làm biến chuyển từ tập tục thờ nữ thần lên thành thờ các vị Thánh Mẫu của Tam, Tứ phủ. Dù quá trình phát triển có sự thay đổi vị trí giữa các miền trời, Thiên Phủ vẫn luôn đứng hành đầu, khẳng định vị thế cao nhất cũng như quyền năng của Thiên Giới trong tâm thức người Việt.
Thánh Thần Thiên phủ đều có mặt trong tất cả bậc thờ. Cao nhất trong Tứ phủ, cũng được coi là quyền năng nhất trong bốn cõi là Vua cha Ngọc Hoàng, rồi mới đến Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên, Quan Lớn Đệ Nhất, Chầu Đệ Nhất, Chầu Cửu… Các Ngài nắm giữ pháp thuật vô hạn điều khiển mây, mưa, sấm, chớp, nắm sổ Tam Tòa, quyền sinh quyền sát của vạn vật, thường được thỉnh về đầu tiên trong các vấn hầu mỗi bậc. Tuy vậy, đặc điểm chung của các Thánh thuộc Thiên Phủ là đều rất ít khi giáng đồng. Các Ngài thường chỉ về tráng bóng chứng đàn, hoặc chỉ giáng vào những dịp đặc biệt như khai đàn mở phủ... Màu sắc tượng trưng cho Thiên phủ là màu đỏ, được thể hiện thống nhất qua trang phục hầu đồng của các Thánh cũng như phẩm vật cúng lễ. Tuy nhiên, do các Ngài ít giáng đồng nên trang phục không có quá nhiều sự khác nhau, mà chỉ qua màu, cách lên khăn hoặc một số trang sức đi kèm (như chầu đệ nhất mặc màu đỏ, chầu cửu mặc màu hồng, theo tùy điều kiện của mỗi người có thể hầu hai giá mặc trang phục giống nhau).
Dù ít khi xuất hiện trong các vấn hầu song Thiên phủ vẫn luôn đóng vai trò quan trọng trong điện thờ của Tín ngưỡng, cùng với ba phủ Nhạc, Thoải, Địa tạo nên “Tứ phủ vạn linh”, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho ngàn đời dân đất Việt. Đồng thời, qua hình tượng các vị Thánh Thiên Phủ, chúng ta vẫn thấy được những giá trị lịch sử, nghệ thuật độc đáo và nhân sinh quan sâu sắc của cha ông đã truyền lại.
mau.
Nhận xét
Đăng nhận xét